Nghiên cứu mới do Đại học Tel Aviv, Israel, hợp tác với một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, đã tìm ra cơ chế khoa học giải thích vì sao quá trình rám nắng lại không xuất hiện ngay lập tức mà phải sau vài tiếng, hoặc thậm chí vài ngày.

Cơ thể chúng ta có hai cơ chế bảo vệ da khỏi tác hại của bức xạ cực tím (tia UV). Cơ chế thứ nhất sửa chữa ADN trong tế bào da bị tổn hại vì bức xạ, còn cơ chế thứ hai làm tăng sản xuất melanin, sắc tố khiến da tối màu, làm “lá chắn” khi tiếp xúc với bức xạ trong tương lai. Trong đó, cơ chế sửa chữa ức chế cơ chế sản xuất sắc tố da. Chỉ khi quá trình sửa chữa hoàn tất, thường là vài giờ sau khi phơi nhiễm cực tím, thì cơ chế sản xuất sắc tố mới hoạt động. Chính vì thế, da chúng ta không sạm ngay khi phơi nắng, mà phải mất một thời gian.

Theo nhóm nghiên cứu, bảo vệ thông tin di truyền không bị đột biến là điều tối quan trọng. Do vậy, phản ứng đầu tiên của cơ thể khi tiếp xúc với tia UV là ưu tiên sửa chữa ADN trong các tế bào da.

Nhóm nghiên cứu đã kích hoạt cơ chế sửa chữa ADN trong cả mô hình động vật và ở mô da của người. Trong cả hai trường hợp, tình trạng rám nắng xuất hiện ngay cả khi không tiếp xúc với tia UV, chứng thực cho phát hiện trên.

Sau khi tắm nắng vài tiếng, thậm chí vài ngày, da chúng ta mới sạm đi. Ảnh: Brandon Hoogenboom
Sau khi tắm nắng vài tiếng, thậm chí vài ngày, da chúng ta mới sạm đi. Ảnh: Brandon Hoogenboom

Trong nghiên cứu trước của mình, nhóm đã phát hiện một protein gọi là MITF được kích hoạt khi phơi nhiễm dưới tia cực tím và có vai trò điều hòa hai cơ chế này. Nghiên cứu mới cho thấy một protein khác là ATM có vai trò quan trọng trong việc sửa chữa ADN, đồng thời nó có khả năng kích hoạt cơ chế sửa chữa trong khi ức chế cơ chế sản xuất sắc tố. Quá trình này có thể tận dụng các thành phần của cơ chế sản xuất sắc tố, nhằm tối đa hóa khả năng tế bào sống sót mà không xuất hiện đột biến vì tiếp xúc tia UV.

Cơ chế phân tử được phát hiện từ nghiên cứu của nhóm có thể làm nền tảng cho các nghiên cứu tiếp theo, hướng tới các cách điều trị mới giúp bảo vệ da tốt nhất khỏi ảnh hưởng của bức xạ. Về lâu dài, nó thậm chí có thể góp phần phòng tránh ung thư da.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Investigative Dermatology, thuộc nhóm các tạp chí do Nature xuất bản.

Nguồn: